Hội thảo hai năm thực hiện hiệp định EVFTA

Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu phối hợp với Viện Nghiên cứu châu Âu tổ chức hội thảo về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sau hai năm thực hiện

Sáng ngày 04/08/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học “Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế – xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.

Lê Hoàng Anh Tuấn

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Lê Hoàng Anh Tuấn

Tiến sĩ. Luật gia. Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu phát biểu khai mạc tại hội thảo.

PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu phát biểu khai mạc hội thảo.

Lê Hoàng Anh Tuấn

Tiến sĩ. Luật gia. Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu (bên phải) PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (bên trái) đồng chủ trì, điều hành hội nghị.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, Hội thảo là dịp để nhìn lại, soi chiếu vào những khía cạnh khác nhau của 2 năm thực thi như bức tranh toàn cảnh về quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU, các vấn đề về quản lý nhà nước, những thuận lợi, thách thức đối với doanh nghiệp; các vấn đề mang tính “vi mô” hơn như quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên, kinh nghiệm thực thi của các ngành, địa phương, hay những vấn đề xã hội phát sinh.

Tham dự Hội thảo có đông đủ đại biểu, các vị khách quý, với sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương, đại diện của doanh nghiệp, và các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng như từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức quốc tế; một số cơ quan thông tấn, báo chí tham dự đưa tin.

Lê Hoàng Anh Tuấn

Đông đủ Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu & Viện Nghiên cứu châu Âu và các nhà khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đây là một trong số ít Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam ký kết và thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, cụ thể là tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện. Sau hai năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%). Tuy nhiên, 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua lại trùng với giai đoạn bất ổn khi thế giới phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và chịu tác động của xung đột Nga – Ucraine. Vì thế kết quả không được như các dự báo đánh giá tác động trước ký kết kỳ vọng. Nhưng kết quả vẫn đáng khích lệ với các con số thể hiện tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Đánh giá tác động của hiệp định EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu Châu Âu cho biết, sau hai năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai trên thực tế và những kết quả đầu tiên cũng đã được phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt 31,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).

Nhìn lại 2 năm thực thi, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn đó những thách thức về khả năng tận dụng các ưu đãi trong cam kết mở cửa thị trường của EU, về gia tăng lừa đảo thương mại trong môi trường kinh tế số, về các biện pháp phòng vệ thương mại EU áp đặt đối với Việt Nam cũng như môi trường an ninh thế giới đang có những biến động khó lường.

TS. Hoàng Xuân Trung nhấn mạnh, nhìn chung Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các quốc gia EU. Việc tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc và công nghệ hiện đại góp phần giúp cho hàng hóa sản xuất trong nước đạt được tiêu chuẩn cao hơn, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực để có thể tiếp nhận công nghệ tiên tiến, cải thiện chất lượng sản phẩm, tránh để mất lợi thế ở ngay cả các lĩnh vực có tính cạnh tranh của Việt Nam.

Phân tích tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Tiến sĩ, Luật gia, Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu cho rằng, hơn hai thập kỷ qua, quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau. EVFTA đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp những thách thức do: Trình độ phát triển về khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực còn thấp hơn Cộng hòa Séc; những tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn có những khác biệt so với tiêu chuẩn của Cộng hòa Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam những kinh nghiệm mới để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới. Hội thảo diễn ra 2 phiên: Phiên 1- “Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU), quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau 2 năm thực thi EVFTA”, gồm các tham luận: (1) Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU sau 2 năm thực thi EVFTA của TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu; (2) Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA nhìn từ công tác quản lý nhà nước của bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương; (3) Những thuận lợi và khó khắn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thực thi Hiệp định EVFTA sau 2 năm nhìn lại của TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, CCCI. Phiên 2- “Thực thi EVFTA ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội”, gồm các tham luận: (4) Kinh nghiệm của huyện Thanh Hà, Hải Dương trong thúc đẩy xuất khẩu hàng trái cây sang thị trường EU nhằm tận dụng những cơ hội đặt ra từ Hiệp định EVFTA của TS. Hoàng thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương; 5) Tác động của Hiệp định EVFTA đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, của TS. Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu; (6) Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và CHLB Đức của TS. Nguyễn Phúc Hiền, Đại học Ngoại thương; (7) Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp/HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La trong bối cảnh thực thi EVFTA của TS. Bùi Việt Hưng, Viện Nghiên cứu châu Âu.

Hội thảo khoa học kết thúc thành công với nhiều kinh nghiệm được chia sẻ từ các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định EVFTA, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu trên nhiều lĩnh vực.

BTV Nhuận Kiệt