Bình luận Điều 82 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 82. Thành lập, đăng ký pháp nhân

  1. Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.
  3. Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai.

Bình luận:

Thành lập pháp nhân là quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật để cho ra đời một pháp nhân. Pháp nhân được thành lập theo (1) Sáng kiến của cá nhân, pháp nhân hoặc (2) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với trường hợp pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của các sáng lập viên thường là với các pháp nhân kinh tế, các tổ chức và các quỹ từ thiện; còn pháp nhân thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước thường là các pháp nhân phi thương mại, có mục đích hướng tới lợi ích chung của cả cộng đồng, quốc gia như các pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị…

Việc thành lập pháp nhân được tiến hành dựa theo một trong ba trình tự, thủ tục sau đây:

  • Trình tự mệnh lệnh: Pháp nhân được thành lập theo quyết định đơn hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh); Trong quyết định thành lập có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của pháp nhân, lĩnh vực hoạt động của pháp nhân; Trình tự thành lập này thường được áp dụng để thành lập các cơ quan nhà nước.
  • Trình tự cho phép: Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của các sáng lập viên, hội viên hoặc của các tổ chức; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp pháp của điều lệ, sự cần thiết tồn tại của tổ chức đó và cho phép thành lập. Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các pháp nhân là các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các quỹ từ thiện.
  • Trình tự công nhận: Pháp nhân được thành lập trên cơ sở sáng kiến của các cá nhân hoặc tổ chức; Cơ quan nhà nước kiểm tra tính hợp pháp theo trình tự, thủ tục đã quy định, trên cơ sở đó ra quyết định thành lập; Trình tự này thường được áp dụng để thành lập các hợp tác xã, các doanh nghiệp.

Các hoạt động cơ bản liên quan đến việc đăng kí pháp nhân bao gồm: đăng kí thành lập pháp nhân (thủ tục đăng kí mà kết quả cho ra đời một pháp nhân mới), đăng kí thay đổi pháp nhân (thủ tục này chỉ được thực hiện khi đã có pháp nhân và trong quá trình hoạt động, pháp nhân có thay đổi một số nội dung cần thiết cho phù hợp với tình hình thực tiễn của pháp nhân).

Việc đăng ký pháp nhân phải được công bố công khai. Việc công bố thuộc về trách nhiệm của chính pháp nhân và của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp luật quy định đăng ký pháp nhân phải công bố công khai nhằm minh bạch hóa tư cách chủ thể của pháp nhân. Qua việc minh bạch đó này sẽ phần nào ngăn ngừa trường hợp cá nhân giả danh pháp nhân lừa đảo hoặc trục lợi trong hoạt động trên thực tế.

Bên cạnh quy định của BLDS, vấn đề thành lập pháp nhân là doanh nghiệp được quy định chi tiết, cụ thể trong Chương II Luật doanh nghiệp năm 2014, với các nội dung như: Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp; Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp; Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…