Bình luận Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 75. Pháp nhân thương mại

  1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
  2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
  3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bình luận:

Cùng với nội dung phân loại pháp nhân nhưng BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 dựa trên những căn cứ khác nhau để từ đó có cách thức phân loại pháp nhân không giống nhau. BLDS năm 2005 dựa theo tiêu chí chủ thể mà phân pháp nhân thành: (1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; (2) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; (3) Tổ chức kinh tế; (4) Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp; (5) Quỹ xã hội, quỹ từ thiện (Điều 100); Còn BLDS năm 2015 căn cứ vào mục đích thành lập và hoạt động của pháp nhân mà phân pháp nhân thành pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

– Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

+ Doanh nghiệp: theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đâu tư, từ sản xuât đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi (khoản 16 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2015). Doanh nghiệp được phân loại dựa trên các tiêu chí khác nhau, cụ thể:

Nếu dựa chủ sở hữu vốn trong doanh nghiệp thì doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp không phải của Nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (khoản 8 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014).

  • Nếu dựa vào quốc tịch doanh nghiệp thì doanh ngiệp bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam (khoản 9 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2014).
  • Nếu dựa vào loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp bao gồm: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tư cách pháp nhân của các công ty này được ghi nhận trong Luật doanh nghiệp năm 2014. Riêng doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân vì tài sản của doanh nghiệp tư nhân không tách bạch độc lập với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân. Điều này đã được ghi nhận tại khoản 1 Điều 183 Luật doanh nghiệp năm 2014: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”. Đồng thời, “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp” (khoản 3 Điều 185 Luật doanh nghiệp năm 2014).

+ Các tổ chức kinh tế khác được hiểu là các tổ chức không phải là doanh nghiệp, cũng có hoạt động kinh tế nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

Để tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận thì doanh nghiệp có các quyền như: Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh…

Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.