Điều 87. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân
- Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc dại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Bình luận:
Trong quá trình hoạt động, pháp nhân tham gia các quan hệ xã hội với tư cách chủ thể và pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Cũng cần lưu ý thêm, pháp nhân chỉ phải chịu trách nhiệm nếu người đại diện của pháp nhân thực hiện đúng phạm vi, thẩm quyền đại diện của mình. Trong trường hợp, nếu người đại diện của pháp nhân thực hiện việc đại diện sai, vượt quá thẩm quyền thì pháp nhân không phải chịu trách nhiệm mà trách nhiệm thuộc về cá nhân có hành vi vi phạm. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Một trong những đặc điểm cơ bản của pháp nhân là sự độc lập về tài sản so với các chủ thể khác và với chính các thành viên của pháp nhân. Do đó, trách nhiệm dân sự của pháp nhân được thực hiện trong phạm vi tài sản của chính pháp nhân. Sự độc lập này dẫn tới hai hệ quả đối ngược nhau là: (i) Nếu thành viên pháp nhân xác lập, thực hiện các hoạt động không nhân danh pháp nhân hoặc nhân danh pháp nhân nhưng không thuộc phạm vi quyền hạn của mình thì các thành viên phải tự chịu trách nhiệm dân sự mà mình xác lập, đây không phải là trách nhiệm của pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Ví dụ: A là thành viên của công ty B nhưng ký hợp đồng nhân danh B với khách hàng không có ủy quyền của B thì trách nhiệm dân sự phát sinh từ hợp đồng hoàn toàn do A phải chịu trách nhiệm; (ii) Nếu trách nhiệm dân sự phát sinh đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện thì các thành viên không chịu trách nhiệm dân sự, đây là trách nhiệm của pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Ví dụ: Theo ủy quyền của Giám đốc, C đã ký hợp đồng nhân danh công ty với khách hàng thì mọi quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thuộc trách nhiệm dân sự của công ty.
– Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.